Theo thống kê từ các huyện thị, đến chiều nay toàn tỉnh có sáu người bị lũ cuốn mất tích, một người bị điện giật chết. Thành phố Vinh sau nửa ngày bị ngập sâu khoảng nửa mét, đến chiều đã tạnh ráo. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác đang phải đối phó với hậu quả của áp thấp.
Tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), đập Gà trữ hơn 500.000 m3 nước tưới tiêu đã bị tràn khoảng 200 m, một số đoạn bị xói lở sâu tới 2m, có nguy cơ vỡ. Huyện đã dùng 3 máy xúc tạo một tràn mới thoát lũ, huy động 100 nhân lực dùng bao đất, đá gia cố các điểm sạt lở.
"Gần trưa 10/10, thân đập được gia cố, song chúng tôi vẫn phải cử người túc trực đề phòng tiếp tục mưa lớn", ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch huyện nói.
Tại khu vực núi Rậm ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), mưa to làm xói lở đất đá, đe dọa 17 hộ dân phía dưới chân núi. "Đêm qua gia đình bảy người không ngủ vì lo sợ đất đá từ đỉnh núi sạt xuống vùi lấp nhà", anh Lê Văn Tính kể.
Chủ tịch xã Hưng Yên Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu, ước tính 100 m3 đất đá cùng cây cối bị sạt xuống. Xã đã cử lực lượng túc trực ở các điểm cần thiết để cảnh báo cho người dân.
Tình trạng sạt lở tại rú Rậm xảy ra từ tháng 9/2016, khi dãy núi cao 100 m, dài hơn 700 m bị nứt. Hàng trăm khối đất đá đã đổ xuống nhiều nhà dân ở chân núi. Phương án xây bờ kè bằng bê tông và rọ đá dưới chân núi nơi xảy ra sạt lở đã được UBND huyện phê duyệt, nhưng đến nay chưa được triển khai.
Sau gần 6 giờ bị chia cắt, 11h trưa 10/10 tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thị xã Hoàng Mai đã thông tuyến. Theo đại diện ngành đường sắt, có 10 chuyến tàu khách và nhiều tàu hàng bị trễ.
Theo nguồn: Vnexpress.net